Theo Thiếu tướng Phùng Đức Thắng- Phó Cục trưởng C06 thông tin, trong thời gian vừa qua, tình hình hoạt động tội phạm tín dụng đen là vấn đề nhức nhối của xã hội. Chỉ trong 4 năm (2015-2018), toàn quốc xảy ra 7.624 vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Nhiều hệ luỵ liên quan đến tín dụng đen như: Các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản, đổ chất bẩn... gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Đa phần người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống, các doanh nghiệp phải vay vốn tín dụng đen, lãi suất lên tới 46,5%/năm. Mặc dù Chính phủ cũng đã triển khai các gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp rất có có thể tiếp cận.
Để khắc phục tình trạng trên, với mục đích đề ra giải pháp để công dân yếu thế được tiếp cận nhanh nguồn vốn chính thống, lãi suất phù hợp, dần giảm thiểu tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, Bộ Công an đã xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay.
Tại chương trình, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết, tại Việt Nam, vấn đề chấm điểm khách hàng tín dụng vay hay đánh giá khả tín khách hàng vay là một công vụ quản trị rủi ro ngày càng được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Để có mô hình tín dụng, đánh giá khả tín hoạt động hiệu quả, đánh giá đúng mức độ tín nhiệm của khách hàng, dự đoán khả năng trả nợ của khách hàng trong tương lai thì yếu tố đầy đủ dữ liệu đóng vai trò quan trọng.
Hiện Việt Nam có hơn 65% người trưởng thành, có hồ sơ tín dụng. Để có nguồn dữ liệu đánh giá mức độ khả tín khách hàng vay, còn có 35% người trưởng thành chưa có lịch sử tín dụng rất cần có sự chia sẻ, khai thác và ứng dụng dữ liệu từ các nguồn, trong đó đặc biệt quan trọng là nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do các ngân hàng không có cơ sở để đánh giá xác định đối tượng cho vay. Ngân hàng chưa có chính sách hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội. Ngoài ra còn là việc thiếu cơ chế quản lý nhà nước về kiểm soát "tín dụng đen" và hỗ trợ người dân.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, với mục đích đề ra giải pháp để công dân yếu thế được tiếp cận nhanh nguồn vốn chính thống, lãi suất phù hợp, dần giảm thiểu tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp cùng ngân hàng nghiên cứu giải pháp ngăn chặn phục vụ tốt nhất cho người dân.
Đến nay đã cơ bản hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với các trường thông tin dân cư, dữ liệu về căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú và các trường hợp khác làm giàu trong Cơ sở dữ liệu dân cư về quốc gia…, qua đó, giúp các ngân hàng, tổ chức tín dụng giảm tỷ lệ rủi ro khi cho vay vốn. Các ngân hàng hiện đều mong muốn được triển khai dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý trong lĩnh vực cho vay.
Chiều cùng ngày, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp công bố cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ “dữ liệu với cuộc sống” và công bố trang website diễn đàn chuyển đổi số quốc gia:
www.diendanchuyendoiso.gov.vn./.