Huyện Tuần Giáo - Tỉnh Điện Biên

Huyện Tuần Giáo - Tỉnh Điện Biên

Trang thông tin điện tử Tênh Phông

Trang bìa
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Từ hôm nay 1/3, điện thoại 2G "lậu" sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam

Thứ hai - 04/03/2024 08:31
(Dân trí) - Các thiết bị di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G only) và không có chứng nhận hợp quy, sẽ không thể nhập mạng di động từ ngày 1/3.
Từ hôm nay 1/3, điện thoại 2G "lậu" sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam

Từ hôm nay 1/3, điện thoại 2G 'lậu' sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam

2G là tên viết tắt của công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ hai. Mạng 2G được triển khai thương mại dựa trên chuẩn tiêu chuẩn GSM ở Phần Lan bởi nhà mạng Radiolinja (hiện là một phần của công ty viễn thông Elisa Oyj) vào năm 1991. Tại Việt Nam, mạng 2G chính thức được triển khai từ năm 1993.

Hiện tại, mạng 2G đã bị nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá là "lỗi thời" và chứa nhiều lỗ hổng. Tội phạm mạng có thể lợi dụng đặc điểm này để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo đến thiết bị người dùng qua sóng 2G với các trạm BTS giả gây ra không ít thiệt hại đối với người dùng.

Từ hôm nay 1/3, điện thoại 2G lậu sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam - 1

Hiện tại, mạng 2G đã bị nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá là "lỗi thời" và chứa nhiều lỗ hổng (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, việc duy trì sóng 2G cũng đang chiếm "chỗ" băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển mạng 5G, 6G. Vì vậy, yêu cầu tắt sóng mạng 2G ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.

Điện thoại 2G không hợp quy sẽ bị chặn hòa mạng từ ngày 1/3

Tháng 9 sẽ là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần vô tuyến điện mạng 2G đối với các nhà mạng. Đây cũng sẽ là thời điểm chính thức tắt sóng 2G tại Việt Nam.

Trong một báo cáo mới đây của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G only) kết nối vào mạng viễn thông di động từ ngày 1/3.

Cụ thể, doanh nghiệp di động sẽ không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT&TT công bố.

Hiện tại, danh sách này bao gồm hơn 4.000 thiết bị di động 2G. Trong đó, phần lớn các mẫu máy đều là thiết bị đời cũ, được sản xuất từ lâu. Trên thực tế, các mẫu điện thoại 2G only đã bị cấm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam từ tháng 7/2021.

Từ hôm nay 1/3, điện thoại 2G lậu sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam - 2

Các thiết bị di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G only) và không có chứng nhận hợp quy, sẽ không thể nhập mạng di động từ ngày 1/3 (Ảnh: Formasup).

Báo cáo của Cục Viễn thông chỉ nhắc đến việc nhập mạng mới. Trong khi đó, các thiết bị hợp quy và đang hoạt động vẫn có thể tiếp tục sử dụng đến tháng 9, trước khi Việt Nam tắt sóng 2G. Đây được xem là một động thái mạnh tay từ Bộ TT&TT nhằm ngăn chặn điện thoại 2G nhập lậu vào thị trường Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam vẫn còn hơn 15 triệu thuê bao 2G. Để thúc đẩy chuyển đổi sang 4G, Bộ TT&TT cho biết sẽ phối hợp với các nhà mạng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp cùng với các nhà mạng để hỗ trợ cho người dân thực hiện chuyển đổi.

Trong đó, Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho thuê bao là hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa chuyển đổi thiết bị từ 2G sang 4G với khoảng 400.000 máy. Quỹ đang thực hiện thống kê các hộ dân thuộc diện cần hỗ trợ.

Nhà mạng sẵn sàng tắt sóng 2G

Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G thành công. Đến thời điểm hiện tại, mạng 5G đã được thí điểm ở 55 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đứng trước bối cảnh mới, bài toán về việc tắt sóng 2G để tối ưu việc quy hoạch tần số, tối ưu hạ tầng mạng lưới và tối ưu chi phí cũng được đặt ra, đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, đưa người dân bước lên môi trường số.

Từ hôm nay 1/3, điện thoại 2G lậu sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam - 3

Các nhà mạng đều ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch tắt sóng 2G theo chủ trương của Bộ TT&TT (Ảnh minh họa).

Các nhà mạng như Viettel Telecom, VNPT, Mobifone đều ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch tắt sóng 2G, theo chủ trương của Bộ TT&TT. Đại diện các nhà mạng đều nhất trí rằng, việc duy trì vận hành công nghệ 2G tốn rất nhiều chi phí, đặc biệt là tiền điện và thải ra lượng carbon rất lớn vào môi trường. 

Thực hiện kế hoạch đến tháng 9 sẽ tắt sóng 2G trên cả nước, nhà mạng VNPT cho biết đã sẵn sàng lộ trình triển khai và phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng để áp dụng cho mạng VinaPhone.

Trong 2 năm qua, nhà mạng này đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Doanh nghiệp đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực và tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G.

Nhằm đảm bảo dịch vụ và liên lạc thông suốt, VinaPhone khuyến cáo khách hàng kịp thời tra cứu thông tin thiết bị 2G sử dụng và chuyển đổi, nâng cấp sang các máy 3G/4G/5G.

Hồi tháng 12/2023, chia sẻ tại tọa đàm "Tắt sóng 2G, đưa người dân trên môi trường số" do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin (ICT) tổ chức, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết: "Viettel trong quá trình chuyển đổi thuê bao khách hàng sang sử dụng công nghệ mới 4G và đang nghiên cứu công nghệ 5G. Chúng tôi thực hiện kế hoạch này không chỉ trong thời gian gần đây, mà làm từ 4 năm trước".

Từ hôm nay 1/3, điện thoại 2G lậu sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam - 4

Tại Việt Nam, mạng 2G chính thức được triển khai từ năm 1993 (Ảnh minh họa).

Lượng khách hàng đang sử dụng công nghệ 2G only phần lớn trong nhóm đối tượng ở nông thôn, vùng sâu miền núi và hải đảo, khả năng tiếp cận thông tin và thu nhập của họ còn khá thấp, dẫn đến chuyển đổi sang công nghệ mới gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Tính, phần đông người dùng miền núi còn sử dụng điện thoại hỗ trợ 2G, họ vẫn chưa hiểu rõ công nghệ 4G nên thường dẫn đến tâm lý không chuyển đổi.

Trong khi đó, ông Lê Mai Sơn, Phó ban Truyền thông nhà mạng Mobifone, cho rằng, để tiến tới việc tắt sóng 2G hoàn toàn, các nhà mạng cần thực hiện đồng bộ toàn xã hội, cần có sự bắt nhịp từ cơ quan nhà nước và sau đó là các đơn vị viễn thông, báo chí, để đưa kế hoạch này trở thành một chiến dịch để người dân hiểu được đây là một sự nâng cấp, thay vì loại bỏ.

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay695
  • Tháng hiện tại14,024
  • Tổng lượt truy cập180,644
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây