Sáng ngày 7/9, Đoàn công tác số 1: Do đồng chí Hà Cầm Hồng – PBT, Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn đã đi kiểm công tác phòng chống bão số 3 tại các xã Nà Tòng, Mùn Chung, Mường Mùn và Pú Xi. Tham gia cùng đoàn công tác có lãnh đạo các Phòng, ban chuyên môn của huyện.
Tại những nơi kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND huyện ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 3 của các địa phương, đơn vị. Đồng thời yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần theo đúng phương châm “4 tại chỗ"; bố trí lực lượng ứng trực, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng không để bị động, bất ngờ khi sự cố xảy ra.
Chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin diễn biến của mưa, bão để kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản do bão số 3 gây ra. Trong đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân nắm được tình hình, mức độ nguy hiểm, diễn biến của bão số 3, chủ động chằng, chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, có phương án di dời các hộ dân có nhà ở không kiên cố, đến nơi ở an toàn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão.
Kiểm tra khu vực bị sụt lún tại bản Nà Tòng xã Nà Tòng: Do mưa kéo dài những ngày qua kết hợp với địa hình khu vực có độ dốc lớn, đã xảy ra hiện tượng sụt lún khu vực dân cư và đường giao thông nội bản Nà Tòng có chiều dài dọc theo đường nội bản là 400m, toàn bộ khu vực bị sụt lún có diện tích khoảng 3,6ha gồm đất ở, đất vườn, đất sản xuất, ao thả cá (khoảng 1,2 ha) của 09 hộ trong vùng sụt lún và 05 hộ có nguy cao giáp ranh với vết nứt khu vực sụt lún, với tổng số 73 nhân khẩu đang sinh sống. Đồng chí Hà Cầm Hồng – PBT, Chủ tịch UBND huyện đề nghị xã cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là các hộ ở khu vực xung yếu ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; thường xuyên kiểm tra sự biến động của khe nứt, biến động của đất đá trong khu vực sụt lún để thông báo sớm nhất cho người dân trong khu vực có đủ thời gian để phòng, chống hoặc di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn; Cắm biển cảnh báo toàn bộ mép cung trượt; tuyên truyền các hộ nuôi thủy sản lồng bè chủ động ứng phó; trong thời gian tới nếu mưa lớn kéo dài tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ở bản Nà Tòng di dời đến nơi ở tạm; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai của xã túc trực 24/24h;
Tại xã Mường Mùn cần chủ động rà soát, nắm các hộ , các khu vực bị ảnh hưởng cao; Do trên địa bàn xã có nhiều hệ thống hồ thủy điện, khi có mưa lớn các hồ thủy điện sẽ xả lũ, do vậy đồng chí đề nghị xã tuyên truyền, nhắc nhở người dân không ra sông, ra suối; khi có mưa lớn, phức tạp, đối với những khu vực điểm trường có nguy cơ sạt lở cần cho các cháu học sinh nghỉ học; thời gian tới lượng mưa sẽ nhiều, sẽ có khả năng xuất hiện nhiều cung trượt, đồng chí Hà Cầm Hồng đề nghị xã nhắc nhở bàn con chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Đoàn công tác số 2: Do đồng chí Phạm Thị Tuyên - PCT UBND huyện làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 3 tại 6 xã, Quài tở, Chiềng sinh, Chiềng Đông, Nà Sáy, Mường Thín, Mường Khong, tham gia cùng đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Thị Thảo – UVBTV - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, đại diện lãnh đạo Phòng Lao động TBXH huyện, Lãnh đạo phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện, Văn Phòng HĐND và UBND huyện.
Tại các xã đến kiểm tra, đồng chí Phạm Thị Tuyên chỉ đạo các xã tiếp tục rà soát, chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân); chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả do bão, lũ nếu xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Triển khai biện pháp hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của cơn bão số 3; tuyên truyền người dân ở trong nhà từ chiều tối ngày hôm nay (7/9) đến hết ngày (9/9) hoặc đến khi có khuyến cáo tiếp theo.
Đoàn công tác số 3: Do đồng chí Mùa Va Hồ - UVBTV, Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn, tham gia cùng đoàn công tác có đồng chí Trần Bình Trọng – UVBTV, PCT HĐND huyện cùng các ban, ngành của huyện đã đến kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 3 ngay trong sáng ngày 07/9 tại xã Tỏa Tình và tênh Phông.
Tại những nơi kiểm tra, đồng chí Mùa Va Hồ và đồng chí Trần Bình Trọng, chỉ đạo các địa phương tập trung mọi nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với cơn bão; kiểm tra, đôn đốc các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Kịp thời phát hiện khu vực cơ nguy cơ mất an toàn, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, nhất là khu vực có nguy cơ ngập sâu do nước dâng, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không đảm bảo an toàn. Hướng dẫn lập phương án di dời người dân khỏi những khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không đảm bảo an toàn; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bị ảnh hưởng của mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chễ di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Cơn bão số 3 (tên quốc tế là YAGI) đang tiến vào vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta. Đây là cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh, để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão. Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo đã ban hành Công điện về việc triển khai ứng phó bão số 3, năm 2024, yêu cầu thủ trưởng các phòng, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, sạt lở đất; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân./.