Từ giữa năm 2022, các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thị trấn, Khối bản được thành lập trên địa bàn toàn huyện nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. Đây được xem là lực lượng nòng cốt ở cơ sở đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Tuy nhiên để phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của lực lượng này ở cơ sở rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu.
Tổ Công nghệ số Cộng đồng Bản Mường 1 – Xã Mường Mùn phối hợp hỗ trợ hướng dẫn bà con trong bản cài đặt định danh điện tử
Toàn huyện hiện có 19 Tổ công nghệ số cấp xã và 177 Tổ công nghệ số ở khối, bản; khó khăn nhất hiện nay là các tổ trưởng Tổ công nghệ số ở cấp thôn chủ yếu là người cao tuổi nên việc tiếp cận công nghệ còn chậm. Cùng với hạ tầng công nghệ số ở cơ sở chưa đồng bộ, tỷ lệ người dân chưa có điện thoại di động thông minh vẫn còn cao cũng là trở ngại đối với Tổ công nghệ số ở bản. Sự phối hợp giữa các thành viên trong Tổ công nghệ số ở một số nơi còn hạn chế. Đây chính là những khó khăn đang ảnh hưởng đến chất lượng của Tổ công nghệ số. Bên cạnh đó, đa số các thành viên trong Tổ công nghệ số của xã, thôn chưa nhận thức đúng, đủ về chuyển đổi số, chưa thực sự thành thạo công nghệ số nên chưa trực tiếp cài đặt các ứng dụng và hỗ trợ người dân chuyển đổi số.
Có mặt tại một số buổi hướng dẫn nhân dân cài đặt các ứng dụng số của Tổ công nghệ số cộng đồng một số địa phương, theo quan sát của phóng viên, chỉ có lực lượng đoàn viên thanh niên là chủ lực, không có hoặc có rất ít sự tham gia của các thành viên khác. Dù đã cài đặt hết các ứng dụng trên điện thoại di động của mình như: VNeID, VSSID, nhưng theo nhiều thành viên của Tổ công nghệ số vẫn chưa biết hết các tính năng của các ứng dụng này, cho nên cũng chưa hướng dẫn được cho người khác cài đặt và sử dụng. Các công việc này vẫn chủ yếu do các thành viên Ban Chỉ đạo xã xuống cầm tay chỉ việc mới thực hiện được.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Tổ công nghệ số ở thôn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Do đó cần sự quan tâm, quyết liệt hơn nữa của người đứng đầu. Thực tế cho thấy ở nơi nào, cấp ủy, chính quyền quan tâm đến hoạt động của Tổ công nghệ số, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thì ở nơi đó, Tổ công nghệ số hoạt động khá hiệu quả. Trong thời gian tới, BCĐ chuyển đổi số cấp huyện, xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thành viên các Tổ công nghệ số và nhân dân về chuyển đổi số, tăng cường hướng dẫn hoạt động của Tổ công nghệ số xã, thị trấn; khối,bản và định kỳ hàng tháng yêu cầu báo cáo kết quả hoạt động của từng thành viên Tổ công nghệ số cấp xã và các Tổ công nghệ số khối,bản. Các tổ trưởng, tổ phó Tổ công nghệ số xã, thôn cần kịp thời, chủ động và tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi số ở địa phương. Cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cần quán triệt đến cán bộ, công chức, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội để có nhận thức đúng đắn chuyển đổi số không phải chỉ là trách nhiệm, là công việc của lực lượng đoàn thanh niên hay của lực lượng công an, công chức tư pháp - hộ tịch mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Vì vậy, các thành viên trong Tổ công nghệ số cần phải tích cực phối hợp, tham gia và là những người tiên phong trong chuyển đổi số ở cơ sở.